Làm thế nào để sở hữu giấy phép lái xe hạng B1 hoặc B2?

Posted by Quỳnh Nguyễn - Tuesday, April 16th, 2024

Làm thế nào để sở hữu giấy phép lái xe hạng B1 hoặc B2?

Ngày nay, tại Việt Nam, các loại ô-tô con ngày càng phổ biến. Vì vậy việc có kiến thức, kỹ năng cũng như sở hữu giấy phép lái xe là một việc cần thiết. Điều này giúp cho bạn được phép điều khiển phương tiện ô-tô cá nhân hoặc đi thuê, phục vụ cho những chuyến đi của chính mình. Vừa mới đây, mình cũng đã thi đỗ kỳ thi sát hạch lái xe và sở hữu cho mình bằng lái xe B1. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn một số kiến thức mà mình biết để lựa chọn loại bằng lái phù hợp (B1 hay B2) và những chú ý khi đăng ký học hoặc thi.

Chọn bằng B1 hay B2?

Khi chia sẻ với bạn bè và người quen của mình về việc mình đang học lái xe bằng "B1 số sàn", hầu hết mọi người đều phản ứng lại là "B2 mới là số sàn, B1 là số tự động chứ.". Trước khi học, mình cũng nghĩ như vậy nhưng đều này không còn đúng (ít nhất là lúc mình bắt đầu học lái xe cho đến khi thi sát hạch từ 10/2023-04/2024). Thú thực là mình cũng không biết sự thay đổi này có từ bao giờ, ai biết thì có thể cho mình xin link bài viết/thông báo chính thức nhé.

Giấy phép B1 và B2 tương đối giống nhau về loại phương tiện được điều khiển, đó là:

  • Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe.
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
  • Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

Tuy nhiên, mình sẽ chỉ đề cập đến phương tiện là xe ô-tô con vì đây là nhu cầu chủ yếu và phổ biến. Mình cũng chỉ là người dùng cá nhân, ko có nhu cầu chạy xe tải.

Khác biệt giữa B1 và B2 là gì?

Đầu tiên, bằng B2 sẽ được cấp cho những người có kinh doanh dịch vụ vận tải. Nghĩa là nếu bạn hành nghề tài xế, bạn phải có bằng B2. Còn lại B1 sẽ cấp cho những người không kinh doanh dịch vụ vận tải.

Thứ hai, nếu có bằng B2, bạn được phép điều khiển cả xe số sàn (số cơ khí) và xe số tự động. Trong khi B1 được chia ra 2 loại rõ ràng. Bằng B1 được phép điều khiển cả số sàn và số tự động, bằng B11 chỉ được phép điều khiển xe số tự động.

Như vậy, xét theo nhu cầu, các bạn hãy lựa chọn loại bằng cho phù hợp như sau:

  • Nếu bạn có nhu cầu hành nghề chạy taxi, dịch vụ,... bạn phải học bằng B2.
  • Nếu bạn chỉ chạy xe cá nhân, bạn thích số sàn thì học B1, không thì học B11 (chỉ chạy số tự động).

Thực tế, mình thấy đa phần mọi người hiện nay sẽ chọn học B11 vì chỉ có nhu cầu chạy xe cá nhân và các loại xe con hiện đại chủ yếu là số tự động.

Học lái xe như thế nào?

Để bắt đầu hành trình học lái xe, bạn cần nộp hồ sơ vào một trung tâm đào tạo lái xe được cấp phép. Theo kinh nghiệm của mình, bạn hãy hỏi những người thân, bạn bè xung quanh - những người mà đã có bằng lái xe xem họ học tại trung tâm nào để tham khảo. Sau khi lựa chọn được trung tâm phù hợp, bạn hãy liên hệ và nộp hồ sơ. Chi phí ban đầu sẽ gồm 2 khoản chính là phí đào tạo và phí chạy DAT (chạy xe thực tế ngoài đường dưới sự hướng dẫn của thầy dạy).

Trong quá trình học bạn sẽ phải học một số kiến thức và kỹ năng cơ bản:

  • Cấu tạo cơ bản của động cơ.
  • Các thành phần trên khoang lái và công dụng. Ví dụ: cách nhìn đồng hồ xăng, km, vòng tua, cách dùng đèn, gạt mưa.
  • Cách xoay vô lăng.
  • Cách sử dụng phanh tay.
  • Cách dùng côn (chỉ số sàn mới có côn), phanh chân và ga.
  • ...

Tiếp theo, bạn bắt đầu luyện tập việc lái đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải, quay đầu xe và đỗ xe chuồng ngang, chuồng dọc,...

Các bạn phải chủ động việc học lý thuyết. Hiểu luật lệ giao thông là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân bạn và những người xung quanh.

Song song với đó, bạn cần tập những tình huống mô phỏng trên máy tính. Đây là những tình huống dựa vào tình hình thực tế để kiểm tra phản xạ của lái xe. Ví dụ: tình huống mô phỏng bạn đang điều khiển xe đến ngã ba, ngã tư bỗng gặp một xe lao nhanh từ bên phải ra làn đường bạn đang di chuyển. Ngoài ra bạn phải liên hệ với trung tâm để học lái 3 tiếng với 8 bài trên máy mô phỏng lái xe chuyên biệt.

Tiếp theo, bạn sẽ phải chạy DAT. Ví dụ, với bằng lái ô tô hạng B2, học viên phải hoàn thành tối thiểu quãng đường 810 km. Đồng thời lái xe tối thiểu 20 tiếng đồng hồ. Số giờ lái xe ban đêm tối thiểu là 4 tiếng đồng hồ. Và phải có 3,2 tiếng đồng hồ lái trên xe số tự động.

Sau khi đã nắm chắc về lý thuyết, mô phỏng cũng như kỹ năng lái xe và hoàn thành DAT. Bạn sẽ phải tham giam một kỳ thi chứng chỉ của trung tâm đào tạo bạn đang theo học. Chứng chỉ này dùng để chứng nhận rằng bạn đã hoàn thành 1 chương trình đào tạo lái xe hoàn chỉnh tại trung tâm. Đây là điều kiện bắt buộc trước khi tham gia thi sát hạch. Không có chứng chỉ thì không thể thi sát hạch được.

Như vậy để "hoàn thành" việc học lái, bạn cần phải làm việc sau:

  • Đăng ký, nộp hồ sơ và phí đào tạo cho 1 trung tâm lái xe được cấp phép.
  • Tự học lý thuyết (Có trung tâm nào mở lớp dạy lý thuyết cho học viên hay ko thì mình ko rõ nhưng trung tâm của mình thì không. Và mình cũng nghĩ học viên nên tự học).
  • Tự học mô phỏng 120 tình huống trên máy tính.
  • Học mô phỏng 8 bài trong 3 tiếng trên thiết bị chuyên biệt.
  • Chạy DAT.
  • Thi chứng chỉ lái xe tại trung tâm bạn theo học.

Thi sát hạch ra sao?

Sau khi có chứng chỉ lái xe, trung tâm sẽ thông báo lịch thi sát hạch để đăng ký. Trong kỳ thi, bạn sẽ phải vượt qua 4 phần:

  1. Lý thuyết
  2. Mô phỏng
  3. Sa hình
  4. Đường trường

Phần 1, 2 và 4 chỉ cần vững những kỹ năng như lúc học là chắc chắn đạt. Riêng phần 3. Sa hình, bạn cần tập trước một vài buổi. Đặc biệt là trước khi tham gia thi ít ngày, chạy nên thử xe chip (xe có thiết bị chấm điểm tự động dùng riêng cho thi sát hạch) để có cảm giác tốt nhất.

Trường hợp bạn không vượt qua một phần nào trong 4 phần kể trên thì sẽ bị đánh trượt và phải thi lại trong những lần thi sát hạch tiếp theo. Thi lại từ phần mà bạn trượt. Ví dụ, nếu bạn đã qua lý thuyết thì sẽ thi lại từ mô phỏng, đã qua mô phỏng thì thi lại từ sa hình.

Tất nhiên nếu vượt qua cả 4 phần thì bạn sẽ được cấp bằng sau khoảng 1 tuần.

Lời kết

Trên đây, mình đã chia sẻ những kiến thức mà mình biết về việc học và thi bằng lái xe B1 và B2. Mình xin tóm tắt lại một lần nữa những bước tần tự từ lúc bắt đầu đến khi lấy bằng:

  • Chọn bằng lái phù hợp với nhu cầu bản thân.
  • Đăng ký, nộp hồ sơ và phí đào tạo cho 1 trung tâm lái xe được cấp phép.
  • Học các kỹ năng lái xe cùng thầy dạy.
  • Học lý thuyết luật giao thông đường bộ.
  • Học mô phỏng 120 tình huống trên máy tính.
  • Học mô phỏng 8 bài trong 3 tiếng trên thiết bị chuyên biệt.
  • Chạy DAT
  • Thi chứng chỉ lái xe.
  • Thi sát hạch lái xe và lấy bằng.